Du lịch TP.HCM: Những tour mới đặc trưng vừa ra mắt
Những ngày này, nhiều tour du lịch TP.HCM lần lượt được các quận, huyện giới thiệu đã bổ sung thêm dòng sản phẩm du lịch cho điểm đến TP.HCM, khẳng định trào lưu mới: “người thành phố đi du lịch thành phố”. Đình Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) qua nhiều lần tu sửa vẫn giữ […]
Những ngày này, nhiều tour du lịch TP.HCM lần lượt được các quận, huyện giới thiệu đã bổ sung thêm dòng sản phẩm du lịch cho điểm đến TP.HCM, khẳng định trào lưu mới: “người thành phố đi du lịch thành phố”.
Đình Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) qua nhiều lần tu sửa vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng – Ảnh: HẢI KIM
Du lịch TP.HCM: “Sắc màu Bình Tân”
Đây là tên của sản phẩm du lịch về quận Bình Tân, một trong hai quận có diện tích lớn nhất TP.HCM và cũng là quận đông dân nhất thành phố.
Tour “Sắc màu Bình Tân” giới thiệu đến du khách các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của quận cũng như các giá trị đời sống phong phú của cộng đồng địa phương qua các điểm đến như đình Bình Trị Đông, chùa Huệ Nghiêm, xưởng bánh ABC, cà phê cá KOI, trải nghiệm làm quà tặng từ nguyên liệu tái chế.
Trong đó, điểm nhấn khiến không ít du khách bất ngờ là đình Bình Trị Đông, có trên trăm năm hình thành và phát triển.
Hiện nay cũng chưa tìm được tài liệu ghi chép chính thức về ngày tháng khởi dựng ngôi đình, nhưng đối chiếu với địa danh Bình Trị Đông và niên đại, cũng như chức sắc các thôn làng dâng cúng hiện vật khác trên hiện vật còn đang lưu giữ tại đình, có thể đoán định đình Bình Trị Đông hình thành vào khoảng giữa thế kỷ 19.
Xin chữ tại đình Bình Trị Đông – Ảnh HẢI KIM
Đình Bình Trị Đông tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 1.280m2. Cổng đình hướng ra đường Lê Đình Cẩn, có đắp mái, dạng bốn mái lợp ngói. Đường bờ nóc mái trang trí tượng hai con rồng bằng gốm. Cổng đình lắp cửa sắt hai cánh, mở vào trong khuôn viên đình.
Qua khỏi cổng đình, theo hướng từ trong nhìn ra, về bên phải vị trí sân tưởng đình là bình phong Thần Hổ, ngang với bình phong Thần Hổ là đài tưởng niệm liệt sĩ.
Đình Bình Trị Đông hiện nay do Hội hương đình trực tiếp trông coi, chăm sóc, thực hiện gìn giữ và phát huy tốt các nghi thức lễ cúng truyền thống.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, phó chủ tịch UBND quận, chia sẻ qua đánh giá, khảo sát, trên địa bàn quận có 18 điểm di tích lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng, giải trí, ẩm thực… được đưa vào tài nguyên du lịch TP. Quận muốn giới thiệu đến du khách đời sống phong phú của người dân trên địa bàn gắn với các kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn của vùng đất Bình Chánh xưa và Bình Tân ngày nay qua quá trình phát triển 20 năm.
Du lịch TP.HCM: Về quận 10 nghe kể chuyện Đông y
Bảo tàng Y học cổ truyền với hơn 3.000 hiện vật quý hấp dẫn du khách trong và ngoài nước – Ảnh: HẢI KIM
Khác với một quận 10 náo nhiệt, giao thương tấp nập, hai sản phẩm tour “Quận 10 nơi lịch sử ghi dấu” và “Quận 10 nghe kể chuyện Đông y” được công bố vào những ngày cuối năm 2022 lại đi vào chiều sâu văn hóa, khai thác một góc nhìn khác về địa bàn này.
Tour “Quận 10 nghe kể chuyện Đông y” giúp du khách hình dung rõ hơn về ngành Đông y có lâu đời và rất tự hào của địa phương. Du khách được tham quan phòng bào chế thuốc và khu vườn thảo dược tại Tân Hưng Long Tự. Ở đây còn có một phòng khám và điều trị bệnh cho người nghèo.
Du khách cũng hoàn toàn choáng ngợp nếu ghé thăm Bảo tàng Y học cổ truyền, nơi lưu giữ và trưng bày những mẫu cây thuốc và động vật, khoáng vật làm thuốc quý của Việt Nam với hơn 3.000 hiện vật quý, hay tìm hiểu về hoạt động làm tranh gạo tại Tranh gạo Quỳnh Vy.
Kiến trúc của Bảo tàng Y học cổ truyền thể hiện những nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống các vùng và dân tộc của Việt Nam.
Hành trình tour tiếp tục với chuyên đề ẩm thực, các món ăn thực dưỡng tại nhà hàng chay Quỳnh House.
Theo ông Nguyễn Huy Chiến – phó chủ tịch UBND quận 10, việc ra mắt hai sản phẩm đặc trưng của du lịch quận 10 sẽ tiếp tục bổ sung vào các sản phẩm du lịch, thêm sự lựa chọn cho người dân và du khách khi đến với địa phương. Hai sản phẩm này cũng sẽ góp phần thúc đẩy cho các điểm đến, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn, các cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi trên địa bàn.
Du lịch TP.HCM: “Nhà Bè ngày mới”
Thư giãn với trải nghiệm làm họa sĩ trang trí – Ảnh: HẢI KIM
Vãn cảnh Miếu Ngũ Hành hay còn gọi là Chùa Bà Châu Đốc 2, là một điểm tâm linh mà người chiêm bái cho rằng nổi tiếng về cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Tại đây du khách được tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian địa phương và xin lộc tại địa điểm tâm linh này.
Check-in tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước, nơi ngắm sông Sài Gòn chia làm hai. Và cuối cùng có thể trải nghiệm làm họa sĩ trang trí tại Life is Beautiful – Art school. Dưới sự hướng dẫn tận tình của những họa sĩ dễ thương, mỗi du khách đều có cơ hội hoàn thành một tác phẩm để mang về làm quà tặng hay lưu niệm.
Trong hành trình du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản của Nhà Bè như cá chìa vôi Nhà Bè, nấm mối đen và dừa nước…
Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết đây là những sản phẩm bước đầu làm động lực để huyện tiếp tục xây dựng và ra mắt các sản phẩm du lịch đặc trưng của mình, nhất là việc xây dựng và ra mắt sản phẩm du lịch đường thủy của huyện Nhà Bè, dự kiến ra mắt vào giữa năm 2023.
Miếu Ngũ Hành hay còn gọi là Chùa Bà Châu Đốc 2 – Ảnh: HẢI KIM
Sở Du lịch TP.HCM cho biết với chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm đặc trưng”, các doanh nghiệp lữ hành TP chú trọng triển khai chương trình trải nghiệm một ngày tại TP dành cho du khách. Đến nay có 58 chương trình tham quan để lựa chọn du lịch từ nửa ngày, một ngày cho đến hai ngày để trải nghiệm tham quan trong thời gian lưu trú tại đây.
Content retrieved from: https://tuoitre.vn/du-lich-tp-hcm-nhung-tour-moi-dac-trung-vua-ra-mat-20230103132031734.htm.