Mua Pi Network thời điểm này đồng nghĩa với rủi ro mất trắng

Việc mua bán Pi trên các sàn giao dịch tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Đó là lý do ngay cả đội ngũ phát triển Pi Network cũng khuyến cáo không giao dịch Pi thời điểm này. Như VietNamNet đã đưa tin, thời gian gần đây, một số sàn giao dịch tiền mã hóa đã […]

Việc mua bán Pi trên các sàn giao dịch tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Đó là lý do ngay cả đội ngũ phát triển Pi Network cũng khuyến cáo không giao dịch Pi thời điểm này.

Như VietNamNet đã đưa tin, thời gian gần đây, một số sàn giao dịch tiền mã hóa đã tiến hành niêm yết Pi – loại tiền kỹ thuật số của Pi Network. Đây là một mạng Blockchain xuất hiện tại Việt Nam kể từ năm 2019.

Để sở hữu Pi, người dùng phải “đào” bằng cách tải app Pi Network về điện thoại di động. Sau đó, việc “thợ đào” cần làm là truy cập vào app và nhấn vào biểu tượng tia sét để nhận Pi mỗi ngày. Nếu muốn tăng tốc độ “đào”, phải mời thêm những người khác cùng tham gia vào mạng lưới.

Sau 4 năm kể từ khi xuất hiện, Pi đã được niêm yết trên một số sàn giao dịch. Tuy nhiên người “đào” Pi không thể nạp lên sàn để bán mà chỉ có thể mua và bán Pi sẵn có trên sàn.

Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, sau 1 tuần được niêm yết trên Huobi, giá Pi đã tăng rất nhanh từ 0,01 USD lên thành 345 USD, sau đó giảm dần và hiện duy trì ở mức trên dưới 100 USD.
Sau khoảng một tuần niêm yết, giá đồng Pi biến động với biên độ rất lớn và chưa có dấu hiệu ổn định. Ảnh: Trọng Đạt
Bên cạnh mức giá biến động rất lớn của Pi, điều khiến nhiều người bất ngờ là chính đơn vị phát triển Pi Network lại lên tiếng cảnh báo rằng Pi hiện chỉ được giao dịch kín trong mạng nội bộ và không được chấp thuận để niêm yết lên bất kỳ một sàn giao dịch nào.

Lý giải cho nguyên nhân của câu chuyện này, một chuyên gia bảo mật giấu tên cho biết, sở dĩ người “đào” không thể đưa Pi lên sàn bởi dự án vẫn chưa chính thức được mainnet, thậm chí chưa công bố địa chỉ hợp đồng thông minh (smart contract).

Việc các sàn niêm yết và cho mua bán Pi hiện tại giống với “mua bán lúa non”. Sàn giao dịch tự mở bán Pi (ảo), sau đó cho người dùng giao dịch những đồng Pi đó trên sàn.

Gọi là Pi (ảo) bởi đây không phải Pi thật mà giống với một đồng Pi tượng trưng. Theo đó, sàn giao dịch đứng ra đảm bảo việc người sở hữu đồng Pi tượng trưng sẽ nhận được đồng Pi thật khi Pi Network chính thức đi vào hoạt động.

Mục đích của hành động đó là để sàn giao dịch có thể kiếm lời dựa trên cơn sốt Pi ở thời điểm mới niêm yết. Bên cạnh đó, sàn cũng có một khoản thu khác từ phí giao dịch mỗi khi người dùng mua đi bán lại đồng Pi tượng trưng. Đây cũng là lý do người dùng không thể rút Pi đã mua và cũng không thể đưa Pi từ ví sẵn có lên sàn để bán.
Theo công bố của nhóm phát triển, cộng đồng Pi trên thế giới có khoảng hơn 35 triệu người. Ảnh: Trọng Đạt
Việc sở hữu đồng Pi tượng trưng giúp người có nhu cầu đầu cơ có thể sở hữu và giao dịch đồng Pi ngay lập tức, thay vì phải chờ mạng lưới Pi Network chính thức đi vào hoạt động. Song cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đầu tư.

“Khi Pi Network chính thức mainnet, người sở hữu Pi tượng trưng sẽ có sẵn lượng Pi lớn để giao dịch kiếm lời. Tuy nhiên, trong trường hợp Pi Network không thể mainnet thành công hoặc niềm tin của thị trường với dự án này suy giảm, giá trị của đồng Pi tượng trưng này có thể về 0 bất cứ lúc nào”, vị chuyên gia chia sẻ.

Sau khi một số sàn giao dịch tiền mã hóa tự ý niêm yết Pi, chính đội ngũ phát triển Pi Network cũng lên tiếng khẳng định không liên quan và khuyến nghị cộng đồng không nên tham gia những giao dịch này.

Content retrieved from: https://ictnews.vietnamnet.vn/mua-pi-network-thoi-diem-nay-dong-nghia-voi-rui-ro-mat-trang-5012387.html.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *