Người già, trẻ nhỏ vào viện tăng đột biến do rét đậm kéo dài
Nhiều bệnh viện ở TP. Hà Nội đã ghi nhận số lượng người già, trẻ nhỏ đến thăm khám và điều trị tăng đột biến do rét đậm kéo dài. Những ngày gần đây, thời tiết tại TP. Hà Nội chìm trong giá lạnh, nhiệt độ giảm sâu khiến tình trạng bệnh nhân vào viện […]
Nhiều bệnh viện ở TP. Hà Nội đã ghi nhận số lượng người già, trẻ nhỏ đến thăm khám và điều trị tăng đột biến do rét đậm kéo dài.
Những ngày gần đây, thời tiết tại TP. Hà Nội chìm trong giá lạnh, nhiệt độ giảm sâu khiến tình trạng bệnh nhân vào viện thăm khám tăng cao, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ.
Mỗi ngày, tại khoa khám bệnh các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân thăm khám, trong đó các bệnh chủ yếu là bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp,…
Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, tại Khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hữu Nghị, mặc dù thời tiết lạnh buốt nhưng từ sáng sớm tại khu vực đăng ký thủ tục khám bệnh đã đông kín người. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, sinh sống trên địa bàn TP. Hà Nội, mắc các bệnh chủ yếu về đường hô hấp (như viêm phế quản, xoang, viêm đường hô hấp trên…), bệnh liên quan đến tim mạch, xương khớp,…
Khu vực chờ thăm khám tại Bệnh viện Hữu Nghị chật kín người, đa phần là người cao tuổi, sống trên địa bàn TP. Hà Nội.
Quầy làm thủ tục khám bệnh luôn đông kín người.
Không chỉ người già, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị tác động khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Ghi nhận thực tế tại Khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng trẻ đến thăm khám do giá lạnh kéo dài tăng cao, mỗi ngày tại đây tiếp nhận hàng trăm ca, trong đó trẻ mắc bệnh hô hấp là đông hơn cả.
Theo các bác sĩ, nhiệt độ giảm sâu rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ, nhất là bé dưới hai tuổi, trẻ có nguy cơ nhập viện do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Một số trường hợp bị viêm mũi dị ứng, viêm họng, sốt, ho, chảy mũi, viêm mũi… Thời tiết lạnh cũng tạo điều kiện cho virus phát triển, khiến hệ miễn dịch trẻ suy giảm, chán ăn, bỏ ăn, quấy khóc.
Phụ huynh cùng các bệnh nhi ngồi chật kín hành lang tại Khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ, theo BS. Nguyễn Hoàng Phong – Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tập trung nơi đông người và nên đeo khẩu trang cho trẻ, không để cho trẻ thay đổi thân nhiệt đột ngột,…
Song song với các biện pháp bên ngoài, phụ huynh cũng nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý để có thể tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại các dịch bệnh.
Các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn… là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm đối với trẻ em. Ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho, sổ mũi, khò khè, quấy khóc, bỏ bú, thở nặng nề, thở nhanh, hổn hển… phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và được điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tự điều trị hoặc điều trị dựa vào đơn thuốc cũ.
Đối với người già, trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát huyết áp. Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được thăm khám và tư vấn của bác sĩ.
Những người mắc bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.