Sự thật sau sự kiện giải tỏa Cồn Dầu!
Ngày 4-5-2010, một vụ gây rối và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ Trước đó, nơi đây diễn ra sự chống đối dai dẳng, với những hành vi quá khích, thậm chí kỳ quái, của một nhóm người chống lại dự án khu đô thị sinh thái (ĐTST) Hòa Xuân, gián tiếp cản trở chủ trương mở rộng không gian đô thị về phía Đông – Đông Nam, mà sâu xa hơn nữa là chống lại chính sách giải tỏa đền bù của TP. Đà Nẵng.
Năm 2009, chính quyền TP. Đà Nẵng bắt đầu đẩy nhanh tiến độ dự án Khu ĐTST Hòa Xuân. Cũng từ đó, một nhóm người quá khích xuất hiện. Nhóm này khoảng 20 người, một mặt kiên quyết chống dự án, mặt khác đã đe dọa, tấn công, thậm chí có hành vi đáng xấu hổ đối với những cư dân khác, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Ngày 3-5, cụ bà Đặng Thị Tân (91 tuổi) qua đời. Nhóm người quá khích chộp ngay lấy cơ hội này, họ muốn ép gia đình cụ Tân chôn cất cụ tại nghĩa địa Cồn Dầu – khu vực đang giải tỏa. Cơ quan chức năng nhận định, nếu nhóm quá khích chôn được cụ Tân ở đó thì chắc chắn chính quyền thành phố không thể bốc mộ đi khi chưa đến ngày cải táng; và, nếu chôn được cụ Tân ở nghĩa địa Cồn Dầu thì cũng chôn được người khác tiếp theo, từ đó làm cho dự án Khu ĐTST Hòa Xuân kéo dài mãi mãi!
Để ngăn chặn ý đồ của nhóm quá khích, lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng, một mặt giải thích cặn kẽ cho gia đình, người thân, xóm giềng người quá cố về ý đồ của nhóm quá khích, mặt khác tổ chức triển khai bảo vệ nghĩa địa Cồn Dầu. Ngược lại, từ tối 3-5 đến rạng sáng ngày 4-5, nhóm quá khích đã chuẩn bị gạch, đá, gậy gộc, dao, vật hôi thối, cho người khiêu khích lực lượng bảo vệ, giả vờ ngất xỉu, kêu khóc… làm cho tình hình rất “nóng”. Thậm chí, họ dùng dây thép niềng chắc quan tài cụ Maria Đặng Thị Tân vào xe bò để làm phương tiện tấn công. Và đến sáng ngày 4-5 thì nhóm quá khích ào ạt tấn công lực lượng chức năng, gây nên vụ việc chưa từng có ở Đà Nẵng, buộc cơ quan chức năng phải trấn áp và sau đó khởi tố đến 6 đối tượng.
Trên đây là tóm lược phần “thô” của sự kiện ở Cồn Dầu, với hàng loạt hành vi phạm pháp của những đối tượng quá khích. Nhưng bản chất của sự kiện này đã bị đánh tráo một cách đáng kinh ngạc, biến nó từ vụ “gây rối và chống người thi hành công vụ” thành thứ mà báo chí và các lực lượng khác ở hải ngoại la hét ầm ĩ là “đụng độ giữa giáo dân với chính quyền”, hoặc “chính quyền đàn áp giáo dân”. Và thế là, một vụ án hình sự bị đánh tráo thành vấn đề chính trị nhạy cảm. Nhà báo phải xử lý thông tin này như thế nào, để độc giả của mình hiểu đúng bản chất của sự kiện?
Khai thác nguồn tin nhân chứng
Điều đầu tiên các nhà báo gặp phải là yếu tố nguồn tin (nếu không có nguồn tin thì chẳng khác nào lạc giữa sương mù). Trong vụ việc ở Cồn Dầu, hầu như rất ít nhà báo tiếp cận được hồ sơ của cơ quan chức năng. Tại thời điểm mới xảy ra, những người có trách nhiệm trong chính quyền cũng chưa thể phát ngôn được. Một trong những thông tin hiếm hoi lúc bấy giờ là thông báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Nhưng bản thông báo này rất khái quát, đòi hỏi tự thân nhà báo phải tìm kiếm và bổ sung thông tin rất nhiều mới có thể đáp ứng yêu cầu độc giả.
Hóa giải sự bế tắc về nguồn tin, một số nhà báo đã phỏng vấn nhân chứng, người dân. Công việc này đòi hỏi hết sức tỉ mỉ, từng chi tiết nhỏ cũng không được bỏ sót. Nhờ làm tốt việc này, nhà báo đã khai thác được thông tin sinh động về vụ án. Chẳng hạn, hầu hết các thành viên trong gia đình cụ Đặng Thị Tân đều phản đối hành động bất nhân bất nghĩa của nhóm quá khích, và ngay trước khi cụ có dấu hiệu suy yếu sức khỏe thì nhóm này đã có âm mưu gây rối. Và thậm chí, một số nhà báo đã khai thác được thông tin là song song với sự kiện diễn ra ở Cồn Dầu còn có các hoạt động khác ở hải ngoại. Từ đó, họ chứng minh được rằng, sự kiện ở Cồn Dầu là một âm mưu chuẩn bị từ trước, một kế hoạch gây rối thô bạo chà đạp ngay cả những giá trị đạo đức thiêng liêng nhất.
Nguồn tin nhân chứng không phải lúc nào cũng dễ sử dụng, nhất là trong các vụ án, vì những điều nhân chứng nhìn thấy chưa hẳn là điều mà cơ quan điều tra tìm ra. Tuy nhiên, trong vụ Cồn Dầu, nguồn tin nhân chứng – nguồn tin gần như duy nhất của nhà báo – đã phát huy tác dụng.
Nhìn cả quá trình
Nếu đưa tin theo kiểu chỉ xem xét vụ việc ngày 4-5-2010 tại Cồn Dầu như một sự kiện đơn lẻ thì chắc chắn các nhà báo gặp khó khăn, rất dễ mắc lỗi. Một số nhà báo đã có hàng năm trước đó theo dõi diễn biến ở Cồn Dầu – vì vậy, khi vụ việc xảy ra, hầu như họ đã chủ động hoàn toàn. Khi nhìn sự kiện trong cả một quá trình, nhà báo thường tránh được những cú “sốc” – điều rất dễ xảy ra trước một sự kiện nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân. Hậu quả của những cú “sốc” này là những nhận định không chính xác, đôi khi, buộc nhà báo phải trả giá đắt.
Ở Cồn Dầu, một số nhà báo đã thống kê được hàng loạt vụ gây rối, vi phạm của nhóm người quá khích diễn ra liên tiếp từ mấy năm, từ đó họ xem vụ việc ngày 4-5-2010 chỉ là “điều sẽ đến”.
Còn một quá trình nữa cũng rất quan trọng, đó là đặt dự án Khu ĐTST Hòa Xuân trong tổng thể chính sách giải tỏa đền bù của TP. Đà Nẵng, với thực tế sinh động là sau giải tỏa thì đời sống nhân dân được nâng cao hơn, kinh tế phát triển hơn, diện mạo đô thị khang trang hơn.
Như nhiều nhà báo thường nói, phải giữ được “cái đầu lạnh”, điều này càng cần thiết trong những vụ nhạy cảm. Nhưng “cái đầu lạnh” không chỉ là giữ thái độ bình tĩnh giữa sự hỗn độn nóng bức của sự kiện mà còn cần đến cái nhìn thông suốt trong cả một quá trình.
Sự trung thực
Ngày 18-5, đúng 2 tuần sau khi xảy ra vụ Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp, mời tất cả chức sắc Công giáo trên địa bàn thành phố đến dự. Trên thực tế, đây là một cuộc đối thoại giữa một bên là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng do ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đứng đầu còn một bên là các chức sắc Công giáo trên địa bàn do ông Giám mục Giáo phận Châu Ngọc Tri đứng đầu. Có thể nói, đây là một cuộc đối thoại thú vị giữa một bên chăm lo việc “đời” và một bên chăm lo việc “đạo” về một vụ án mà trong đó người vi phạm toàn là giáo dân.
Để tường thuật được cuộc đối thoại này, nhà báo phải giữ được sự trung thực, bởi đơn giản, họ nghiêng về bất cứ bên nào thì đối thoại cũng đều trở nên vô nghĩa. Muốn giữ sự trung thực – yếu tố làm bài báo sinh động và thuyết phục – các nhà báo đã quyết không “né” những phát ngôn được xem là “khó chịu”, chẳng hạn, một linh mục dẫn lời nói “Đà Nẵng không có máu thì tốt hơn”. Câu này đã được trích dẫn nguyên văn trên mặt báo sáng hôm sau, nó không những không trở nên nhạy cảm mà còn phản ánh một cách hết sức rõ ràng nhận thức sai lệch, và thậm chí cả sự non nớt về lý luận của người nói, từ đó làm rõ hơn thái độ của một số vị chức sắc trong vụ việc diễn ra ở giáo xứ Cồn Dầu.
Lời kết
Nắm sự thật trong tay nhưng phản ánh sự thật ấy như thế nào không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên đây chỉ là vài kinh nghiệm trong vụ việc cụ thể, những kinh nghiệm được rút ra bao gồm cả những điều chưa làm được, hoặc chỉ làm được một phần. Có thể nó giúp ích gì đó về nghiệp vụ, nhưng tác giả chỉ muốn nói rằng, viết được một bài báo đâu có dễ dàng!